Metaverse là gì? Metaverse có thể bùng nổ năm 2024-2025

Ngày đăng

Có lẽ chúng ta đã nghe nhiều người nói như Mark Zuckerberg, CEO của Facebook hay Satya Nadella, CEO của Microsoft, nói về Metaverse. Họ nói rằng metaverse là tương lai của internet, tương lai của loài người. Vậy Metaverse là gì? Và có đúng nó sẽ là tương lai của con người?

Hãy cùng OMG CENTRAL tìm hiểu về Metaverse nhé.

Metaverse là gì?

Metaverse được cấu thành bởi 2 phần: Meta và Verse trong đó:

  • Meta: Theo Wikipedia, meta là một tiền tố có nghĩa là “siêu”, “toàn diện hơn” hoặc “vượt qua giới hạn”. Trong ngôn ngữ tiếng Anh, tiền tố meta được dùng để chỉ những cái nói về phạm trù của chính nó. Ví dụ: metadata được gọi là siêu dữ liệu.
  • Verse: Verse là cách viết ngắn gọn của Universe – vũ trụ meta

Metaverse là gì?

Như vậy Metaverse dùng để nói về những vũ trụ toàn diện hơn, vượt trội hơn so với vũ trụ mà chúng ta đang sống. Metaverse còn được gọi là vũ trụ ảo.

Vũ trụ ảo là mạng lưới tích hợp của các thế giới 3D ảo. Chúng ta có thể truy cập vào những thế giới này thông qua bộ headset thực tế ảo (VR). Người dùng sẽ điều hướng trong metaverse bằng cách chuyển động mắt, bộ điều khiển phản hồi hoặc đọc các câu lệnh. Bộ headset sẽ khiến người dùng đắm chìm, từ đó họ cảm thấy được sự hiện diện của mình. Điều này là nhờ có những cảm giác về giác quan giống y như thật, như đang ở trong một vũ trụ ảo.

Metaverse được rất nhiều ông lớn công nghệ quan tâm. Có lẽ chỉ vài năm nữa thôi, metaverse sẽ được sử dụng và chấp nhận rộng rãi. Công ty Facebook đã đổi tên thành Meta chính là một lời khẳng định, cam kết rằng công ty này sẽ theo đuổi metaverse lâu dài. Cùng với Facebook, nhiều công ty công nghệ cũng đang đổ nhiều tiền bạc và nhân lực để phát triển metaverse.

Nguồn gốc phát triển của metaverse

Nguồn gốc

Trong cuốn sách Snow Crash của Stephenson, con người sử dụng Virtual Reality – thực tế ảo và Digital Avatar để khám phá, đắm chìm vào một thế giới kỹ thuật số. Trong thế giới này, các nhân vật có thể dạo phố, công viên giải trí…Những sự kiện xảy ra trong metaverse đôi khi có thể ảnh hưởng đến thế giới thực trong cuốn tiểu thuyết này.

Cuốn sách Snow Crash của Stephenson

Metaverse đóng vai trò như một lối thoát khỏi hiện thực tăm tối mà các nhân vật đang đối mặt.

Những bước phát triển đầu tiên 

Không rõ VR xuất hiện vào thời điểm nào nhưng có vẻ là vào thập niên 50,60 của thế kỷ trước. Morton Heilig, một nhà làm phim, đã viết về một trải nghiệm đi xem kịch mà trong đó người xem có thể tham gia vào những hoạt động đang diễn ra trên sân khấu. Vào năm 1962, ông ấy đã xây dựng một mô hình thử cho ý tưởng này của mình.

Hình ảnh chiéc VR đầu tiên

Bộ headset VR đầu tiên được Ivan Sutherland tạo ra vào năm 1968. Bộ thiết bị gắn trên đầu này khá nặng và được treo lên trần nhà để thuận lợi cho việc sử dụng.

Cụm từ “thực tế ảo” bắt đầu phổ biến hơn vào những năm 80, đến những năm 90, việc mua bán thương mại các bộ headset VR trở nên thịnh hành. Tuy nhiên, sự hứng thú của mọi người không kéo dài lâu, phải đến tận những năm 2010 khi Oculus Rift được phát hành thì VR mới được quan tâm trở lại. Kể từ đó, những thiết bị VR được đầu tư phát triển và được sử dụng nhiều trong video game hay được ứng dụng vào du lịch ảo.

Ý tưởng mới

Cyberspace là một ý tưởng thuộc phạm trù metaverse

Trong nhiều thập kỷ, có nhiều ý tưởng có thể được xem là metaverse.

‘Cyberspace’ là một cụm từ xuất hiện vào năm 1982. Nó chỉ một thế giới ảo trên máy tính, một thế giới khác xa thế giới thực. Thế giới này chỉ tập trung vào sự giao tiếp thông qua mạng máy tính. Có thể nói, đây là khái niệm cơ bản nhất của metaverse. Cyberspace đem đến ý tưởng các hoạt động online sẽ được thực hiện trong một môi trường hoàn toàn tách biệt với thế giới thực.

Vào năm 2000, Gartner mô tả sự kết hợp giữa thế giới ảo và thế giới thực, gọi là Supranet. Đối với lịch sử phát triển của metaverse, ý tưởng này một lần nữa đem đến hình ảnh về một metaverse toàn diện và cách metaverse có thể sẽ tương tác với thế giới thực.

Phát triển nhờ ngành công nghiệp game

Second Life, video game phát hành vào năm 2003, được xem là metaverse đầu tiên trong lịch sử metaverse. Trong tựa game này, mỗi người chơi sẽ được đại diện bởi một avatar. Họ có thể xây dựng cuộc sống thứ hai, một cuộc sống số cho mình trong thế giới ảo.

Metaverse hiện diện trong game chính là những trò chơi nhập vai MMORPG

Bên cạnh Second Life, Roblox cũng là một tựa game góp phần phát triển metaverse. Công ty phát triển Roblox đang lên kế hoạch xây dựng metaverse của riêng mình.

Những tựa game MMORPG – trò chơi nhập vai trực tuyến nhiều người chơi là ví dụ của metaverse trong game. Trong game, người chơi sẽ tương tác với nhau và khám phá một thế giới ảo.

Tuy nhiên, chúng ta cần lưu ý một điều rằng: Metaverse trong những trò chơi kể trên không giống với khái niệm metaverse trở nên phổ biến nhờ CEO Facebook, khái niệm đang được nhiều người sử dụng để miêu tả metaverse.

Facebook Metaverse

Với chúng ta, sự kiện nổi bật nhất về metaverse là khi Mark Zuckerberg đổi tên công ty thành Meta. Nhưng thực ra CEO Meta – tiền thân là Facebook và công ty này đã bắt đầu quan tâm và đầu tư vào metaverse từ năm 2014. Vào thời điểm này, Facebook đã mua lại Oculus – một công ty về lĩnh vực VR.

Ảnh hưởng của COVID 

COVID đã góp phần thúc đẩy sự phát triển của metaverse. Các cửa hàng đóng cửa, người dân không thể ra ngoài và tương tác trực tiếp với nhau, nhu cầu cho một không gian ảo để thực hiện những hoạt động này trở nên cấp thiết hơn bao giờ.

Những yếu tố khác ảnh hưởng đến sự phát triển của metaverse còn là sự phổ biến của online shopping. Với metaverse, sự thuận tiện khi mua sắm online có thể kế hợp với niềm vui thích khi ghé thăm các cửa hàng, xem hàng và tương tác với nhau khi mua hàng nhờ có công nghệ thực tế ảo.

Mark Zuckerberg đổi tên công ty thành Meta.

Năm 2021, Facebook đổi tên thành Meta. Lý do đằng sau việc đổi tên này là công ty này hướng tới trở thành nhà tiên phong trong lĩnh vực metaverse. Kể từ sau sự kiện này, metaverse trở thành “buzz word”, được nhiều người quan tâm, tìm hiểu.

Hiện tại, metaverse theo cách hiểu của đa số mọi người là một thế giới ảo. Nhưng thực chất, metaverse vẫn chưa hiện hữu rõ ràng đến vậy. Có rất nhiều yếu tố còn khá mơ hồ, trong đó bao gồm nhu cầu chung cho metaverse. Liệu mọi người có thực sự cần một công nghệ như vậy không?

Tuy nhiên, các công ty công nghệ lớn đều đang đổ rất nhiều nguồn lực để phát triển metaverse.

Tiềm năng phát triển của Metaverse

Eric Hazan, tác giả của báo cáo “Value Creation in the Metaverse”, cho rằng metaverse sẽ đem lại nhiều giá trị kinh tế. Khách hàng sẵn sàng sử dụng các công nghệ mới, các công ty thì đầu tư mạnh mẽ vào metaverse, các nhãn hàng thử nghiệm metaverse đều nhận được những phản hồi tích cực.

Dự đoán rằng đến năm 2030, metaverse có thể tạo ra 5 nghìn tỷ, tương đương với nền kinh tế của Nhật Bản. Đây cũng là một thị trường rất tiềm năng cho các startup.

Metaverse hứa hẹn sẽ thay đổi cuộc sống của loài người

Về sự phát triển kinh tế – xã hội nói chung, metaverse đem đến một cơ hội mới để cung cấp các dịch vụ công như giáo dục, y tế, tạo ra công việc mới và quy hoạch các không gian công cộng. Những điều này đang thực sự xảy ra. Ví dụ như chính quyền Seoul lên kế hoạch dành ít nhất 32 triệu đô cho hệ sinh thái metaverse để cải thiện các dịch vụ của thành phố, đồng thời cũng để lên kế hoạch, quản lý và hỗ trợ du lịch ảo.

Thách thức lớn nhất là vấn đề nhân lực, đảm bảo nhân lực cho các dịch vụ công có đủ kiến thức, kỹ năng để có thể hiện thức hóa những tiềm năng này.

Những nguy hiểm của metaverse

Một trong những nguy hiểm của metaverse đó là việc người dùng có thể nghiện metaverse, sử dụng các thiết bị VR/AR 24/7, giống như trường hợp một số người đã nghiện internet. Điều này khiến họ tách biệt với thế giới thực

Metaverse có khả năng tạo ra cảm giác buồn bã về cuộc sống thực. Con người ta sẽ dành nhiều thời gian hơn trong metaverse, trốn tránh những công việc trong thế giới thực.

Metaverse có thể sẽ khiến con người rời bỏ cuộc sống thực tại

Dù vậy, an toàn mạng mới là vấn đề lớn nhất. Chúng ta đã thấy nhiều sự kiện liên quan đến bảo mật trên các nền tảng MXH và làm việc online trong thời kỳ COVID. Với metaverse,đây vẫn sẽ là một vấn đề,thậm chí số vụ việc còn có thể tăng cao hơn vì metaverse.

Cuối cùng, phần cứng phục vụ cho metaverse có thể khiến mọi người cảm thấy phiền. Đeo những bộ headset VR khiến người dùng cảm thấy không thoải mái. Về lâu dài, những chiếc kính này còn có thể gây ra những vấn đề về sức khỏe. Để tránh được những vấn đề này, các thiết bị sử dụng cho metaverse cần phải nhỏ gọn.

Doanh nghiệp cũng gặp không ít rủi ro khi kinh doanh trong metaverse. Để thành công, các công ty trước hết cần biết cách bảo vệ mình khỏi những rủi ro kinh doanh trong vũ trụ ảo.

Một số Metaverse Game nổi bật

Với giới hạn về mặt công nghệ như hiện tại thì việc có được một trải nghiệm như trong “Ready Player One” là không thể. Tuy nhiên, nếu anh em chú ý thì hiện tại đã có rất nhiều các sản phẩm được xây dựng với concept Metaverse, đặc biệt có thể kể đến các tựa game Metaverse như sau:

Minecraft: Một tựa game thế giới mở, tại đây anh em có thể khai thác tài nguyên chế tác công cụ, xây dựng công trình và tạo ra thế giới riêng của mình, cũng như tương tác với người chơi khác thông qua các tính năng và chế độ chơi khác nhau.

Game Minecraft

GTA V: Ở trong chế độ chơi Multiplayer của tựa game, anh em có thể cùng nhiều người chơi khác tương tác qua lại, với rất nhiều các hoạt động trao đổi buôn bán hoặc giao tiếp khác nhau.

Game GTA V

Roblox: Một tựa game cho phép người chơi sáng tạo dựa trên nhiều công cụ được nhà phát triển cung cấp. Có hỗ trợ trải nghiệm với VR, lưu trữ dữ liệu trên Cloud. Và đặc biệt cung cấp một hệ thống economic incentives cho người chơi.

Game Roblox
Trong thị trường Crypto cũng đang tồn tại khá nhiều game Metaverse như Decentraland, The Sandbox,… Trong các tựa game này, anh em có thể tạo ra những thế giới của riêng mình, sở hữu tài sản thông qua NFT cũng như trao đổi buôn bán chúng qua Marketplace,…
Một game trong hệ sinh thái game của The Sandbox

Như vậy,có thể thấy rằng metaverse vẫn đang phát triển và được nhiều người đón nhận mạnh mẽ,tuy nhiên,vẫn còn khá xa để chúng ta có thể thấy một Metaverse đúng nghĩa như trong “Ready Player One”, một số điểm hạn chế có thể kể đến như:

  • Trải nghiệm vẫn chưa được chân thực do giới hạn về công nghệ thực tại ảo tăng cường.
  • Gần như không có khả năng tương tác đối với các tựa game non-blockchain (tài sản trong game này không thể chuyển qua game khác và gần như không thể tương tác với tài sản thật). Đối với blockchain game thì khả năng tương tác qua lại là có, nhưng vẫn chưa rõ rệt.
  • Không gian vẫn còn khá giới hạn đối với khả năng sáng tạo của con người.

Như vậy, qua bài viết mình đã cung cấp cho anh em những thông tin cơ bản về Metaverse cũng như tiềm năng phát triển của ngành công nghiệp lên tới hàng nghìn tỷ USD này.

Bài viết được mình thực hiện dựa trên những góc nhìn cá nhân cùng một số phân tích được mình tổng hợp lại từ nhiều nguồn nghiên cứu khác nhau, anh em có thể tham khảo thêm.

Tác Giả: Hoàng Anh OMG CENTRAL

0 0 đánh giá
Đánh giá bài viết
Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận